Tết Nguyên Tiêu tại TP. HCM
Ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á. Là lễ hội cuối cùng chính thức kết thúc những ngày Tết nguyên đán.
Với người Việt Nam, Tết Nguyên Tiêu là một trong những ngày lễ rất quan trọng. Để đón Tết Nguyên Tiêu, các gia đình thường sắm 2 lễ là lễ cúng Phật, thần linh và cúng gia tiên. Cúng Phật thường có mâm lễ chay tinh khiết và hương hoa đèn nến. Còn cúng gia tiên thường là mâm lễ mặn hoặc chay và phải có bánh trôi trong mâm cúng lễ.
Náo nhiệt nhất phải kể đến lễ diễu hành của người Hoa tại TP. HCM. Bắt đầu từ 16:00, các con đường đoàn diễu hành đi qua đã lập hàng rào chặn xe, khoảng 16:30 đoàn diễu hành xuất phát từ chùa Ôn Lang (còn gọi là Chùa Quan Âm) đi dọc theo đường Nguyễn Trãi đến TTVH Quận 5. Người dân xung quanh háo hức đứng xem dọc hai bên đường từ rất sớm, những linh vật như rồng, lân và hẩu thi nhau uốn lượn nhảy múa trên đường… tất cả tạo nên một không khí vô cùng náo nhiệt và sôi động.
Sau đó, đoàn tiếp tục di chuyển qua Chùa Nhị Phủ làm lễ và biểu diễn tại đó.
Cảm ơn Chi Hội Nhiếp Ảnh đã hướng dẫn và cung cấp thông tin
Đặc sắc múa Hẩu
Nói đến tứ linh Long Lân Qui Phụng thì không thể không kể đến con Hẩu. Đầu hẩu hình tròn, mặt có vẻ dữ tợn và không giống con gì cả. Thân hình hẩu dài, uốn lượn như loài thủy quái. Nhìn hẩu, khó đoán nó là lốt của con gì mà ta đã từng biết.
Múa hẩu là tiết mục đặc biệt trong lễ cúng các vị thần bảo hộ của người Phước Kiến. Múa hẩu có hai điều cấm kỵ: một là, không được phép ngửa mặt hẩu lên trời vì như vậy được cho là dám thách thức với các chư vị tiên thánh trên cao; hai là, người múa hẩu không được leo trèo cao. Ngoài bốn động tác cơ bản, người múa hẩu cũng có thể biến hóa cho trò múa được linh động, hấp dẫn. Xem múa hẩu, ta thấy sự uốn lượn, mềm mại giống chuyển động của rồng, rắn, hơn là sự vững chải, uy dũng của múa lân, sư. Tiếng trống chiêng phụ họa cho hẩu nghe giống như “lân hẩu lân hẩu lân xà” khá vui tai nhưng không rộn rã hào hứng bằng tiếng trống cù.
Khác với lân sư rồng đã được bình dân hóa để có thể múa trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, vừa có tính cách nghi lễ, vừa như trò giải trí mà trẻ con cũng có thể múa mọi lúc, mọi nơi. Múa hẩu mang đậm tính chất tín ngưỡng, trang nghiêm, chỉ dùng trong các lễ cúng thiêng liêng. Từ xưa, hẩu đã được kết hợp với lân trong lễ rước bà Thiên Hậu tại Bình Dương. Trong một đám rước, có đủ mặt lân sư rồng, thì hẩu luôn dẩn đầu.
Tết Nguyên Tiêu tại TP. HCM,
Pingback: Tết Nguyên Tiêu 2016 | ẢNH THỂ THAO