Nguồn gốc của môn đấu kiếm
Tuy đã góp mặt tại Olympic lần đầu tiên tổ chức năm 1896 ở Athenes (Hy Lạp) và xuất hiện trên đất Saigon từ những năm đầu thế kỷ 20, nhưng mãi đến nay, một giải đấu kiếm với quy mô lớn – giải vô địch Đông Nam Á – mới diễn ra tại TPHCM từ ngày 12 đến 16-2012. Dù vậy, khán đài Nhà thi đấu Phan Đình Phùng vẫn trống vắng…
Môn đấu kiếm phương Tây (fencing) có nguồn gốc từ các trận đấu tay đôi nhằm giải quyết những chuyện liên quan đến danh dự giữa các hiệp sĩ tại châu Âu. Trong thể thao, cuộc so tài đấu kiếm diễn ra trên 1 sàn đấu (1,5m-2mx14m) theo 2 thể thức: loại trực tiếp (3 hiệp, 3 phút/hiệp, kiếm thủ thắng trận là người giành 15 điểm trước) và đấu vòng tròn (3 phút/trận, kiếm thủ thắng trận là người giành 5 điểm trước). Kiếm làm bằng lưỡi thép chia làm 3 loại: liễu kiếm (foil), kiếm 3 cạnh (epee) và kiếm chém (sabre).
Trước năm 1975, CLB Thể thao Sài Gòn, CLB Phan Đình Phùng, trụ sở CPS, các trường Taberd, Trưng Vương, Gia Long ở Saigon có lớp tập đấu kiếm thu hút khoảng vài trăm người và hằng năm đều diễn ra một số giải thi đấu khá sôi nổi. Kiếm thủ Tôn Thất Hải đã dự Olympic Helsinki (1952), Trần Văn Xuân tham gia Olympic Rome (1960) và Olympic Tokyo (1964), ASIAD Téhéran (1974)… Sau năm 1975, hàng chục kiếm thủ vẫn tiếp tục chơi lai rai ở Nhà Văn hóa Lao Động. Theo thời gian, dụng cụ tập luyện hư dần và lớp cũng tự giải tán… Đến năm 2005, Sở TDTT TPHCM mới xây dựng lại bộ môn này.
Trong ngày thi đấu thứ 4 của giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á (15-11), đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã xuất sắc giành thêm 3 HCV nội dung đồng đội: kiếm liễu nữ, kiếm 3 cạnh nam và kiếm chém nam. Thái Lan giành HCB kiếm 3 cạnh nam, Singapore HCB kiếm liễu nữ, Việt Nam HCB kiếm chém nam. Đoàn Thái Lan và Việt Nam HCĐ kiếm liễu nữ, Singapre và Malaysia HCĐ kiếm 3 cạnh nam, Thái Lan và Malaysia HCĐ kiếm chém nam. Như vậy, chủ nhà Việt Nam đã đoạt 8 HCV, chiếc HCV còn lại thuộc về Singapore. Trưa nay (16-11), giải sẽ kết thúc sau các trận chung kết 3 nội dung: đồng đội kiếm liễu nam, kiếm 3 cạnh nữ và kiếm chém nữ.
Hiện nay, đấu kiếm chỉ có mặt ở: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bình Phước và đều được “bao cấp” để đào tạo VĐV thi đấu đỉnh cao chứ chưa có những lớp phong trào bởi trang thiết bị đều phải nhập về với giá khá cao. Y phục khoảng 400 USD/bộ, giáp điện tử 150 USD, kiếm liễu, kiếm chém trên 100 USD còn kiếm 3 cạnh cao hơn một chút. Một chiếc mặt nạ giá khoảng 200-250 USD và đôi giày từ 100-350 USD tùy loại. Thay 1 mũi kiếm cũng phải mất vài USD. Do giá trang thiết bị khá cao nên trong ngày thi đấu đầu tiên ở giải vô địch Đông Nam Á 2012, một nữ kiếm thủ Campuchia mặc giáp không đúng quy định và bị kiếm thủ Singapore khiếu nại. May mà đoàn Thái Lan đã cảm thông và cho mượn. Một thành viên BHL Việt Nam thổ lộ: “Trường hợp này cũng từng xảy ra với chúng ta hồi dự giải vô địch thế giới ở Italia năm 2005!”.
Nếu tổ chức một giải thi đấu đúng tiêu chuẩn, địa phương phải mua sắm thêm vài giàn đèn (2 đến 3 ngàn USD/cái), vài sàn đấu khoảng 100 triệu/cái. Những trang thiết bị này đều phải mang nhãn hiệu Allstar của Đức theo quy định từ Liên đoàn Đấu kiếm quốc tế và giá cả khi về đến Việt Nam thường tăng gấp rưỡi vì phải chịu thuế.
Cũng do kinh phí có hạn, đấu kiếm Việt Nam chỉ tham dự vài sân chơi quốc tế trong tổng số vài chục giải đấu diễn ra hằng năm nên không có nhiều cơ hội cọ xát để nâng cao trình độ. Tập đấu kiếm không chỉ đòi hỏi sự nhanh nhẹn, thông minh, chịu khó mà còn cần phải có thể hình cao ráo và cũng phải mất 3-4 năm tập luyện mới có thể thi đấu.
Nguồn gốc của môn đấu kiếm,