Khám phá những môn võ lạ tại Liên hoan võ thuật quốc tế 2016
Liên hoan võ thuật quốc tế 2016 diễn ra từ ngày 22.4 đến 24.4 tại TP.HCM. Sự kiện quy tụ rất nhiều môn võ còn rất lạ lẫm với nhiều người hâm mộ Việt Nam như Katori Shinto Ryu (Japan), Arnis (Philippines), Shorinji Kempo (Indonesia), Gongkwon Yusul (Germany), Taekkyon (Korea), Bokator (Campuchia), BulKempo (Bulgaria), Tarung Derajat…
Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về những môn võ lạ mắt này nhé!
Kenjutsu Katori – Japan
Kenjutsu Katori Shinto-ryu là một môn võ toàn diện đã tồn tại và được lưu truyền từ thời xưa. Đến nay, truyền thống truyền dạy vẫn được giữ bí mật thông qua những quy định chặt chẽ được ghi trong huyết thệ (keppan) mà các thành viên khi muốn gia nhập đều phải thực hiện. trải qua gần 600 năm tồn tại, nghi thức này đã góp phần bảo toàn chất lượng của việc luyện tập truyền thống một cách nguyên bản về cả tinh thần cũng như hình thức như khi được sáng lập bởi tổ sư Iizasa Ienao.
Arnis – Philippines
Arnis (hay còn gọi là Kali, Eskrima) là môn võ thuật sử dụng vũ khí của Philippines. Ở Việt Nam, nó được gọi là võ gậy. Arnis đã xuất hiện ở Philippines từ thế kỷ thứ 15 nhưng không ai rõ nguồn gốc xuất xứ và Tổ sư của nó là ai. Võ sinh Arnis chiến đấu bằng cả hai tay với gậy (bolos) và dao (balaraws). Gậy có hai loại, gậy dài 76 cm cầm ở tay phải, gậy ngắn dài 28 cm cầm ở tay trái.
Cả dao và gậy đều được làm bằng gỗ chuốt bóng y như kim loại. Kỹ thuật đánh bằng gậy (jodo) có thể khắc chế cả kiếm và gươm. Những đòn gậy căn bản là: đánh (taga), đỡ gạt (sangga), tước vũ khí (agwa) và dùng gậy ném đối thủ (buno).
Shorinji Kempo – Japan
Với xuất xứ được đặt giả thiết là bắt nguồn từ võ thuật Trung Hoa (chính dang xưng là cách đọc theo ngôn ngữ Nhật Bản: “Thiếu Lâm Tự Quyền Pháp”) – Shorinji Kempo có hệ thống kỹ thuật lai tạp giữa võ thuật thuần túy Trung Hoa và phong cách từ một số môn võ thuật Nhật Bản như Aikido, Karate. Cách mà Shorinji Kempo tự vệ cũng chịu ảnh hưởng từ đặc tính này.
Một điều khá thú vị, trong khi nhiều môn võ tự vệ theo một phương cách rõ ràng thì Shorinji Kempo có khả năng hòa trộn sử dụng cả hai trường phái: các đòn thế uy dũng, mạnh mẽ, đòi hỏi luyện tập lâu dài mới có đủ nền tảng thể lực thực hiện; hai là các kỹ năng khóa siết, vật bẻ phù hợp cho cả các “nạn nhân” vốn thấp bé nhẹ cân và dễ trở thành con mồi trong các tình huống nguy hiểm.
Shorinji Kempo là môn võ bao gồm các hệ thống các đòn thế tự vệ, tu dưỡng tinh thần và nâng cao sức khoẻ. Với một tôn chỉ tập luyện “thân thể và tinh thần hoà làm một, không tách rời”.
Các kỹ thuật tự vệ bắt nguồn từ sự kết hợp của “cương” và “nhu” được thuyên chuyển qua lại để đạt đến hiệu quả của kỹ năng tự vệ. Chưa dừng lại ở đó, với các đòn thế Kempo võ sinh hoàn toàn có thể khống chế đối phương nhanh chóng nhờ vào những quy luật vật lý được đúc kết từ lâu đời. Chính vì thế, Kempo không đòi hỏi phải dùng sức mạnh cơ bắp để ra đòn- điều này hoàn toàn thích hợp cho phụ nữ, trẻ em và những người thuộc mọi lứa tuổi có thể tập môn võ này.
Gongkwon Yusul – Germany
Gongkwon Yusul là một hệ thống võ thuật Hàn Quốc hiện đại được thành lập bởi Kang Jun trong năm 1996. Môn võ này được hình thành từ các môn võ thuật của Hapkido, Hakko-ryu Jujutsu, Judo và Kyuk Quá Ki. Gongkwon Yusul là một hệ thống trong đó nhấn mạnh việc áp dụng vật, khóa và ném, môn võ bao gồm nhiều điểm chung của môn võ truyền thống Hapkido.
Taekkyon – Korea
Hàn Quốc giới thiệu với liên hoan môn võ truyền thống Taekkyon. Taekyyon thường được miêu tả tương tự như Taekwondo, nhưng trong thực tế có rất nhiều sự khác biệt. Các động tác của Taekkyon lấy sức mạnh từ sự chuyển động nhịp nhàng và hài hòa của phần thân dưới và thân trên, tập trung vào các động tác co gối và sự dẻo dai của hông eo.
Các đòn tấn công thường thọc vào mặt và cơ thể của đối thủ hoặc những đòn tấn công vào chân. Ngoài ra còn có những kỹ thuật kéo, đẩy chân đối thủ để phòng thủ đồng thời triệt hạ đối thủ.
Bokator – môn võ “sát thủ” của người Khmer
Môn võ Bokator có xuất xứ từ vùng đất Khmer hiền hoà, từ lâu đã được xem là niềm tự hào của người dân nơi đây khi chứa đựng những tinh hoa văn hoá truyền thống cùng hiệu quả cao trong thực chiến, tự vệ của mình.
Bokator đã từng được huấn luyện cho đội quân Angkor-đội quân thống trị Đông Dương khoảng 1700 năm trước. Môn võ này mô phỏng lại những đòn thế từ nhiều loài vật như: đại bàng, ngựa, rắn hổ và sư tử. Với 10.000 kỹ thuật cơ bản, đặc biệt là các ngón đòn chỏ, gối và khoá môn võ này được đánh giá rất đa dạng, có khả năng kết liễu đối phương với tốc độ rất nhanh trong mọi tình huống. Các võ sinh Bokator chuyên nghiệp thời xưa thường bắt đầu được đào tạo khi lên mười ba tuổi và phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ với nhiều chế độ tập nâng cao sức chịu đòn, sự dẻo dai, sức mạnh khi ra đòn và đặc biệt là thấm nhuần tinh hoa văn hoá dân tộc.
Thoạt nhìn, người ta rất khó phân việt võ sĩ Bokator với võ sĩ Muay Thai khi có 1 vòng dây thừng quấn trên bắp tay. Thế nên vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi về nguồn gốc của Bokator khi người Campuchia cho rằng Muay Thai chính là con đẻ của Bokator được minh chứng bằng những bức phù điêu trong đền thờ Angkor Wat. Khác với Muay Thai, võ sĩ Bokator thường đeo một chiếc khăn rằn có quốc kì Campuchia và quấn dây thường cao gần khuỷu tay.
Bulkempo – Bulgaria
Đây là môn võ đúc kết tinh hoa từ kempo (Nhật Bản) nhưng đã tự hình thành cho mình một con đường riêng. Nó kết hợp các đòn tấn công bằng tay, các kỹ thuật vật ngã để trở thành môn võ cộng đồng thời hiện đại, giúp bất cứ ai cũng có thể tập luyện để tự vệ và rèn luyện sức khỏe.
Người “khai tông lập phái” môn võ này là ông Velein Hadjolov – cựu sĩ quan cảnh sát người Bulgaria. Nói về sự cải tiến của Bul – kempo, ông Hadjolov nói: “Người châu Âu chúng tôi cao lớn nên cách luyện võ cũng khác hơn. Bul – kempo đề cao những đòn tấn công mạnh mẽ hơn những chi nhánh kempo khác”. Yêu thích văn hóa và võ thuật châu Á, ông Hadjolov học rất nhiều môn như karatedo, aikido, judo, hapkido rồi tổng hợp lại cùng đô vật kiểu phương Tây, từ đó lập nên võ phái Bul – kempo vào năm 2003.
Tarung Derajat môn võ của sự tàn bạo
Tarung Derajat là một môn võ thuật đã có từ lâu của Indonesia, nhưng ngày nay môn võ này được xem là không còn “hợp thời” nữa.
Tarung Derajat có tên tiếng Anh là AA BoxeR, là sự hòa trộn của những môn võ trứ danh như Pencak Silat, Muay Thái, Kick-boxing, Karatedo, Taekwondo… Tuy nhiên điều đáng nói là Tarung Derajat lại tích lũy những đòn hiểm nhất, tàn bạo nhất và đôi khi là bị cấm sử dụng của những môn võ trên.
Điều này cũng dễ hiểu bởi vì tổ sư của môn võ này là Achmad Daradjat. Thực chất ông là một võ sĩ đường phố, ông kết hợp những kiến thức võ thuật được học với những kinh nghiệm giao đấu trên đường phố để sinh tồn mà ông thấy hằng ngày tạo thành một môn võ mới và lấy tên là Tarung Derajat.
Đồng thời xuất phát từ đặc tính lịch sử của Indonesia, sau khi Tarung Derajat được hình thành thì người Indonesia thường sử dụng nó để giết giặc hơn là thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng. Và nay khi đất nước Indonesia đã dần dần bước ra khỏi chiến tranh thì những chiêu thức được xem là hiểm nhất, độc nhất của môn võ này đã ăn sâu vào máu những võ sĩ thì cũng khó có thể thay đổi được.
Môn võ này được đánh giá là một môn võ khá quyết liệt bởi các võ sĩ đều tập trung vào các cú đấm giữa sườn, những cú chỏ vào cổ. Vì vậy tỷ lệ bị chấn thương sau khi giao đấu là rất cao. Để nâng cao sức chịu đòn và đồng thời để giảm thiểu chấn thương khi giao đấu từ các đối thủ của mình, các võ sĩ Tarung Derajat đều phải học các kỹ thuật thở đặc biệt để nâng cao độ săn cứng của cơ bắp.
Tuy cũng là niềm tự hào của võ đạo Indonesia nhưng xét về tính phổ cập thì Tarung Derajat lại kém xa Pencak Silat. Hiện nay tại thủ đô Jakarta, Pencak Silat đã được đưa vào trường học, thu hút hàng triệu người tập luyện thì Tarung Derajat dường như đã bị người đời cho vào quên lãng vì họ cho rằng môn võ này thích hợp với những anh đầu đường xó chợ hơn.